Lập kế hoạch bữa ăn giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết

0
8273

Các thay đổi về thực phẩm và lối sống có thể có ảnh hưởng tích cực đến việc kiểm soát mức đường trong máu. Vì vậy, việc có một kế hoạch ăn uống lành mạnh là rất quan trọng trong quản lý bệnh tiểu đường. Người bệnh cần xây dựng một kế hoạch ăn uống phù hợp dựa trên độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động, thuốc uống và các yếu tố khác. Kế hoạch ăn uống giúp người bệnh kiểm soát khẩu phần ăn và dễ dàng lựa chọn những thực phẩm lành mạnh khi đói.

lập danh sách dinh dưỡng cho người tiểu đường
Nên lập danh sách thực phẩm và các bữa ăn một cách khoa học
  • Việc tìm công thức nấu ăn: Người bệnh có thể chọn một số công thức nấu ăn phù hợp với bệnh tiểu đường và thích hợp với sở thích cá nhân. Mỗi tuần, nên chọn chỉ 2-3 công thức nấu ăn để giảm thời gian và tránh lãng phí nguyên liệu. Các công thức nấu ăn nên hạn chế sử dụng đường và các gia vị bổ sung như dầu hào, tương ớt, nước sốt và nên tập trung vào các nguyên liệu tươi ngon và giàu dinh dưỡng. Dưới đây là một số món ăn gợi ý cho người bệnh tiểu đường:

– Bữa sáng: Bún mọc, bánh mì trứng, bún riêu, phở bình dân…

– Bữa trưa: Cơm, canh rau ngót, cá kho, canh rau cải xanh, canh mồng tơi, canh chả cá thác lác nấu chua, thịt gà kho, cá sốt cà chua…

– Bữa chiều: Đậu hũ nhồi thịt, thịt heo kho tiêu, đậu bắp luộc, dưa giá, bông cải xào…

Người bệnh cũng có thể chọn những món ăn nhẹ như chocolate, bắp (ngô), một ít trái cây như táo, bưởi, sữa chua không đường, ít chất béo cho bữa ăn nhẹ.

  • Lập danh sách thực phẩm: Bước tiếp theo là lập danh sách các thực phẩm cần mua. Việc chuẩn bị trước các thực phẩm giúp tránh việc ăn uống vô định khi đói và giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột. Nếu có thể, nên dành thời gian để chuẩn bị sẵn tất cả các nguyên liệu, điều này sẽ giúp quá trình nấu ăn trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn.
  • Lập danh sách các bữa ăn ngoài: Lập kế hoạch ăn uống không chỉ đồng nghĩa với việc chuẩn bị bữa ăn tự nấu. Nó cũng có thể bao gồm việc lên kế hoạch cho các bữa ăn khi đi ra ngoài với bạn bè hoặc gia đình. Người bệnh nên tìm hiểu về các nhà hàng cung cấp món ăn nóng, có salad hoặc các quán bán đồ ăn nhanh ít chất bột, tập trung vào rau và thực phẩm lành mạnh.

Phân bổ chất dinh dưỡng theo quy tắc sau:

Carbohydrate: Mục tiêu là tiêu thụ từ 45-60g carbohydrate mỗi bữa ăn và khoảng 15g mỗi bữa ăn nhẹ. Thực phẩm giàu tinh bột bao gồm: bánh mì, ngũ cốc, gạo và bánh quy giòn, trái cây, các loại đậu như đậu, đậu lăng, đậu nành, các loại rau có chứa tinh bột như khoai tây, bí mùa đông và ngô…

Chất béo: Một chế độ ăn uống cân bằng nên chứa khoảng 20-35% lượng calo từ chất béo. Mỗi bữa ăn có thể tiêu thụ 15-25g chất béo, dựa trên một chế độ ăn 2.000 calo. Thực phẩm giàu chất béo bao gồm: trái bơ, dầu ô liu và dầu dừa, dầu canola, dừa và dầu dừa, các loại hạt, sữa tươi hoặc kem tươi, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt bê, da gia cầm…

– Chất đạm: Người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 45-60g protein mỗi ngày, phân chia cho các bữa ăn chính và ăn nhẹ. Thực phẩm giàu protein bao gồm: thịt gia cầm, cá, trứng, đậu nành…

Chất xơ: Người lớn mắc bệnh tiểu đường nên nhắm tới 35g chất xơ mỗi ngày. Chất xơ là một chất dinh dưỡng quan trọng cần tính đến khi lên kế hoạch các bữa ăn thích hợp với bệnh tiểu đường. Chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường trong máu. Các nguồn chất xơ bao gồm rau, đậu, đậu lăng, thực phẩm chứa tinh bột như khoai lang và bí, trái cây như táo và các loại quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch…

Bằng cách tuân thủ kế hoạch ăn uống và ứng dụng các nguyên tắc dinh dưỡng trên, người bệnh tiểu đường có thể quản lý bệnh tốt hơn và đảm bảo sức khỏe của mình. Tuy nhiên, luôn tốt nhất nếu họ được tư vấn và hướng dẫn bởi một chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here