Những nguyên nhân khiến đường huyết biến động

0
509

HbA1C là xét nghiệm máu đo đường huyết trung bình trong ba tháng. Chỉ số HbA1C mục tiêu với hầu hết người lớn mắc tiểu đường type 2 là nhỏ hơn 7%. Tuy nhiên, quá trình kiểm soát đường huyết có thể gặp khó khăn do tác động của một số nguyên nhân khiến chỉ số này còn cao. Dưới đây là một số yếu tố có thể tác động khiến đường huyết không ở mức an toàn.

đường huyết tăng cao
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến chỉ số đường huyết biến động

Bệnh tiểu đường tiến triển

Theo thời gian, tuyến tụy của những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể giảm tiết hormone insulin, dẫn đến sự tiến triển của bệnh và phác đồ điều trị ban đầu không còn hiệu quả. Trong trường hợp này, bác sĩ phải điều chỉnh phương pháp điều trị để phù hợp hơn. Việc duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh và thực hiện thường xuyên các hoạt động thể dục giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường.

Thường xuyên căng thẳng

Tình trạng căng thẳng có tác động đáng kể đến đường huyết, dẫn đến khả năng kiểm soát chỉ số HbA1C trở nên khó khăn đối với người bệnh. Cụ thể, căng thẳng tác động đến khả năng cơ thể sử dụng insulin một cách hiệu quả và thậm chí góp phần vào sự phát triển của kháng insulin. Các hormone như adrenaline và cortisol thường gia tăng trong tình trạng căng thẳng, điều này dẫn đến tăng chỉ số HbA1C.

Để kiểm soát tình trạng căng thẳng, quan trọng là bạn phải chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như khả năng ngủ kém, tăng nhịp tim và huyết áp. Tập thể dục, yoga, và thiền là những phương pháp giúp giảm bớt căng thẳng.

Ăn quá nhiều

Dù đã lựa chọn thực phẩm lành mạnh, nhưng người bệnh tiểu đường có thể vẫn không đạt được mức chuẩn cho chỉ số HbA1C do việc tiêu thụ thực phẩm quá nhiều. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tại Mỹ đề xuất rằng việc theo dõi khẩu phần ăn giúp duy trì cân nặng trong tình trạng khỏe mạnh và đường huyết ổn định.

Lượng carbohydrate (carb) tiêu thụ trong khẩu phần ăn có tác động đáng kể đến mức đường trong máu. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định mức carb và khối lượng khẩu phần ăn phù hợp để đảm bảo duy trì mức đường huyết trong giới hạn an toàn.

đường huyết biến động
Ăn nhiều và ít vận động khiến đường huyết tăng cao

Ít tập thể dục

Nâng/đẩy tạ hoặc kéo dây kháng lực đàn hồi… đó là những hoạt động giúp cơ thể tương tác tốt hơn với insulin và tăng cường khả năng lưu trữ glucose trong cơ bắp, từ đó hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Điều này không chỉ giúp duy trì trọng lượng cơ thể trong tình trạng khỏe mạnh mà còn giúp giảm mỡ cơ thể và kiểm soát huyết áp.

Nếu bạn là người tập thể dục thường xuyên nhưng vẫn gặp khó khăn để đạt được mức HbA1C dưới 7%, hãy thêm vào chế độ tập thể dục các hoạt động cơ bắp. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Calgary và Đại học Dalhousie (Canada) vào năm 2020 trên 185 người đã tập luyện với ba loại bài tập khác nhau: tập thể dục nhịp điệu, tăng cường thể lực hoặc kết hợp cả hai loại này, mỗi tuần ba lần trong vòng ba tháng.

Kết quả cho thấy rằng những người tham gia tập thể dục nhịp điệu và thể lực hoặc kết hợp cả hai loại bài tập đã đạt được chỉ số HbA1C thấp hơn so với những người không tập thể dục. Kết hợp các loại bài tập này đã giúp giảm chỉ số HbA1C nhiều hơn so với việc thực hiện chỉ một loại tập thể dục.

Người mắc bệnh tiểu đường có thể xem xét việc thực hiện các bài tập rèn luyện thể lực từ 2-3 buổi mỗi tuần, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu.

Biến chứng tiểu đường

Theo thời gian, đường huyết cao liên tục làm tổn thương tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Người bệnh có thể bị suy thận, bệnh gan, thiếu máu và các tình trạng sức khỏe khác ảnh hưởng đến mức HbA1C. HbA1C tăng là dấu hiệu cảnh báo người bệnh tiểu đường phát triển một trong những biến chứng này. Kiểm tra nguy cơ biến chứng và có kế hoạch điều trị giúp giảm rủi ro.

Dùng thuốc điều trị bệnh khác

Một số loại thuốc theo toa như thuốc giảm đau và liệu pháp điều trị HIV làm tăng mức HbA1C. Nếu các loại thuốc điều trị bệnh khác ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết, người bệnh nên đến bác sĩ khám để thay đổi kế hoạch điều trị, không tự ý ngưng thuốc.

Phương pháp điều trị không còn hiệu quả

Khi chỉ số HbA1C cao hơn so với mục tiêu đã đề ra, đây có thể là dấu hiệu cho thấy kế hoạch điều trị hiện tại không còn đạt hiệu quả như trước đây. Trong tình huống này, người bệnh có thể nên xem xét việc thay đổi loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác để giảm chỉ số HbA1C hoặc tối ưu hóa hoạt động của insulin trong cơ thể. Khi thực hiện phương pháp điều trị mới, quan trọng là tuân thủ đúng liều thuốc và theo đúng lịch trình được chỉ định bởi bác sĩ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here