Lưu ý khi người bệnh tiểu đường phải nhổ răng

0
3705

Tình trạng nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường nghiêm trọng hơn người bình thường. Do lượng đường trong máu cao, người bệnh có khả năng cao nhiễm trùng khi nhổ răng, vết thương sau phẫu thuật lâu lành. Trong miệng người có khoảng 300 vi khuẩn nên rất khó kiểm soát nhiễm trùng ở khoang miệng. Do đó, nhổ răng thường là lựa chọn cuối cùng với người bệnh tiểu đường khi sử dụng các phương pháp khác không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh vẫn có thể hồi phục nhanh như người bình thường. Mức đường huyết mục tiêu trước nhổ răng cho người tiểu đường HbA1c dưới 6,5%.

Khi gặp các vấn đề răng miệng như: răng sâu, răng viêm tủy, viêm nha chu, răng khôn mọc lệch… người bệnh tiểu đường sẽ được chỉ định phải nhổ răng. Trước khi nhổ răng, người bệnh phải kiểm soát chỉ số đường huyết để phòng tránh nhiễm trùng sau đó. Mức đường huyết mục tiêu trước ăn nên ở dưới 126 mg/dL, sau ăn hai giờ nên dưới 200 mg/dL. Đường huyết trước ăn tối đa cho phép nhổ răng trung bình trong khoảng 140-170 mg/dL.

người bệnh tiểu đường nhổ răng
Trước khi nhổ răng, người bệnh phải kiểm soát chỉ số đường huyết để phòng tránh nhiễm trùng

Một lưu ý quan trọng khác, cần chọn cơ sở nha khoa có điều kiện máy móc, kỹ thuật tốt để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Sau nhổ răng, người bệnh phải được theo dõi và điều trị kháng sinh phù hợp đến khi ổ răng lành lặn. Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia dễ ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.

Việc kiểm soát đường huyết không tốt khiến người bệnh dễ bị các loại nhiễm trùng và biến chứng thường gặp như hoại tử ở sàn miệng, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (nhiễm trùng ở màng trong tim), nhiễm trùng lan tới các mô vùng đầu mặt cổ, nhiễm trùng huyết, viêm màng não… Ngoài ra, người tiểu đường còn dễ gặp các tổn thương về răng miệng khác như:

  • Khô miệng: Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt dẫn đến làm giảm lượng nước bọt tiết ra, gây biểu hiện khô miệng, thúc đẩy đau nhức, loét, nhiễm trùng và sâu răng.
  • Viêm nướu (viêm nha chu): Đường huyết không ổn định góp phần làm suy yếu tế bào bạch cầu và tổn thương mạch máu, cản trở quá trình đưa chất dinh dưỡng đến để nuôi các mô trong cơ thể, bao gồm răng miệng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiễm trùng do bệnh nha chu khó kiểm soát. Lượng đường trong máu cao làm cho vết thương trong khoang miệng lâu lành hơn bình thường, gây khó khăn khi điều trị bệnh răng miệng.
  • Bệnh tưa miệng (nhiễm nấm): Việc phải thường xuyên dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng khiến người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm nấm miệng và lưỡi (chủ yếu là nấm Candida ký sinh trong miệng). Loài nấm này phát triển mạnh nhờ nồng độ glucose trong nước bọt cao.

Vì vậy, để vết thương nhổ răng nhanh lành, người bệnh nên chăm sóc răng miệng sạch sẽ mỗi ngày, kiểm soát lượng đường trong máu ổn định, giữ mức HbA1c tiêu chuẩn dưới 6,5%. Người có vấn đề về răng miệng khi điều trị cần cho bác sĩ biết rõ tình trạng sức khỏe và bệnh nền tiểu đường để tránh những biến chứng. Người bệnh cũng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong điều trị bệnh, khám răng hàm mặt ít nhất hai lần mỗi năm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here