Cách nhận biết dị ứng insulin ở người tiểu đường

0
292

Dị ứng với insulin có thể gây ra các phản ứng như đỏ, ngứa hoặc sưng tại vị trí tiêm, xuất hiện từ vài giờ đến 12 giờ sau tiêm. Những phản ứng này có thể xảy ra ở cả người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2, tình trạng nhẹ đến nặng. Lọ hoặc bút insulin chứa nhiều chất bổ sung như metacresol, kẽm axetat, natri hydroxit, axit clohydric, có thể gây dị ứng cho một số người.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi bệnh, nhưng đôi khi có thể phản ứng quá mức, được kích hoạt bởi sự tương tác của hệ thống miễn dịch với chất gây dị ứng, gọi là quá mẫn cảm.

dị ứng insulin
Dị ứng với insulin có thể gây ra các phản ứng như đỏ, ngứa hoặc sưng

Có 4 loại phản ứng quá mẫn:

– Loại một là phản ứng thông qua trung gian của kháng thể IgE.

– Loại hai là phản ứng qua trung gian của kháng thể IgG hoặc IgM gây độc tế bào.

– Loại ba là phản ứng qua trung gian của phức hợp miễn dịch.

– Loại bốn là phản ứng qua trung gian của phản ứng của tế bào.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học MCPHS (Mỹ), có ba trong số những loại này liên quan đến insulin. Phản ứng loại một thường gây ra các triệu chứng nhẹ như mẩn đỏ, ngứa hoặc sưng nhanh chóng tại vị trí tiêm insulin. Trong một số trường hợp, phản ứng này có thể lan ra cả cơ thể và gây sốc phản vệ.

Phản ứng loại ba thường được đặc trưng bởi sưng tấy lớn hơn và đau hơn tại chỗ tiêm, xuất hiện các cục u dưới da, nhưng thường tự giảm đi mà không cần điều trị.

Phản ứng loại bốn gây ra đỏ và cứng da, phát triển chậm hơn từ 12 giờ trở lên sau khi tiêm insulin. Những phản ứng này thực chất là cuộc tấn công tự miễn dịch, trong đó các tế bào bạch cầu tấn công insulin, dẫn đến viêm nhiễm địa phương.

Dị ứng với insulin không phổ biến, và triệu chứng có thể thay đổi đối với từng người bệnh tiểu đường. Thông thường, phản ứng dị ứng phát triển nhanh chóng sau khi tiêm insulin. Hầu hết các bệnh nhân chỉ trải qua kích ứng da. Một số ít trường hợp có thể trải qua cảm giác không thoải mái hoặc đau rát. Một số trường hợp ít gặp có thể gây ra sốc phản vệ nguy hiểm.

Ngoài ra, phì đại mỡ cũng có thể dẫn đến việc hình thành các khối u dưới da, nhưng điều này không liên quan đến phản ứng dị ứng với insulin mà là kết quả của việc tiêm insulin nhiều lần vào cùng một vị trí.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của dị ứng với insulin, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để đề xuất các phương pháp điều trị. Một biện pháp đơn giản nhất là trao đổi với bác sĩ để đổi loại insulin. Sự thay đổi vị trí tiêm trên cơ thể hoặc sử dụng bơm insulin để cung cấp một lượng nhỏ insulin liên tục thay vì một liều lớn một lần cũng có thể giúp giảm nhạy cảm với insulin. Người bệnh tiểu đường type 2 cũng có thể xem xét chuyển sang các loại thuốc hạ đường huyết khác theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc bôi không kê đơn có thể giúp giảm ngứa và cải thiện tình trạng da tại chỗ tiêm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here