Cách sơ cứu vết thương cho người bệnh tiểu đường

0
5

Câu hỏi:

Mẹ tôi năm nay 62 tuổi, bị tiểu đường 5 năm. Hiện tại bà vẫn đang dùng thuốc điều trị để kiếm soát đường huyết, chưa có biến chứng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà hay bị trầy xước tay và chân, xin bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu tại nhà như thế nào để tránh biến chứng?

Trả lời:

Chào bạn,

Những vết thương thường gặp bao gồm: vết cắt do vật sắc nhọn như dao, kéo, máy móc; vết trầy, xước do da ma sát với bề mặt thô cứng; vết xé sâu làm mất một phần hoặc toàn bộ da, ảnh hưởng các mô sâu, xảy ra khi tai nạn, vật liệu nổ…

Với những vết thương nhỏ thì người bị có thể tự chăm sóc tại nhà. Nếu vết thương sưng nóng đỏ, đau hoặc lớn, sâu, mất máu nhiều, người bệnh cần được chăm sóc, xử trí tại cơ sở y tế. Về cơ bản, sơ cứu vết thương của người bệnh tiểu đường không khác biệt so với vết thương người bình thường. Dưới đây là các bước:

Rửa tay sạch: Trước khi xử trí vết thương hở cần rửa tay sạch để tránh làm nhiễm trùng vết thương.

Cầm máu: Vết thương sâu như rách da hay xé sâu có thể gây mất máu nhiều, sốc mất máu. Khi đó cần băng bó vết thương bằng gạc sạch hoặc vải sạch giúp cầm máu.

Rửa sạch vết thương: Sau khi cầm máu, cần làm sạch vết thương bằng các dung dịch rửa, tốt nhất là nước muối sinh lý hoặc có thể rửa với một ít xà phòng và nước sạch để loại bỏ dị vật, chất bẩn.

Sát trùng vết thương: Sử dụng các dung dịch như cồn 70 độ, nước oxy già (hydrogen peroxide) để sát trùng vết thương ngoài da.

Băng vết thương: Dùng gạc vô trùng băng vết thương bằng băng thun để cố định khi cần. Các vết thương, vết trầy nhỏ có thể để hở.

Với vết thương sâu, mất máu nhiều, người bệnh đến cơ sở y tế sau khi đã xử trí ban đầu. Thông thường với vết thương hở của người bệnh tiểu đường, bác sĩ không may kín ngay từ đầu. Người bệnh không đắp các loại dung dịch như thuốc đỏ thuốc tím iod đậm đặc… vào mô dưới da, tránh tổn thương thêm, gây khó lành.

Người bệnh cần theo dõi vết thương mỗi ngày để nhận diện dấu hiệu bất thường như đỏ da xung quanh, đau, có mủ, có mùi hôi, sốt… Lúc này tình trạng nhiễm trùng nặng lên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị. Lưu ý kiểm soát tốt đường huyết giúp vết thương nhanh lành, tránh biến chứng nặng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here