6 bước đơn giản giúp người bệnh tiểu đường tránh nguy cơ bị hạ đường huyết vào ban đêm

0
326

Trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh rất dễ gặp phải biến chứng hạ đường huyết. Đây là biến chứng cấp tính rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Nếu chứng hạ đường huyết xảy ra vào ban ngày thì việc nhận biết cũng như xử lý tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nếu hạ đường huyết xảy ra ban đêm thì lại rất khó phát hiện, dẫn đến nguy cơ chết não hoặc tử vong trong đêm. Vậy làm cách nào để phòng ngừa nguy cơ hạ đường huyết về đêm?

Hạ đường huyết ban đêm là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng đường huyết của cơ thể giảm xuống thấp, có khi còn khoảng 2.7 – 3.3 mmol/L. Khi đường huyết giảm xuống quá thấp, các tế bào thấn kinh và tim mạch sẽ thiếu nguồn năng lượng nuôi dưỡng, dẫn đến những tổn thương trên các cơ quan này.

Hạ đường huyết ban đêm có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nào, kể cả là tiểu đường type 1 hay type 2. Những nguyên nhân thường gặp nhất như: uống thuốc liều cao, uống bia rượu, nhịn ăn buổi tối hoặc tập thể dục quá sức gần giờ ngủ. Mặc dù đây là biến chứng phổ biến, nhưng hạ đường huyết về đêm thường dễ bị bỏ qua và không được chú ý khắc phục.

điều trị tiểu đường
Hạ đường huyết ban đêm có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân đang điều trị tiểu đường

Phòng tránh hạ đường huyết ban đêm giúp sống chung với bệnh tiểu đường

Dưới đây là 6 điều mà người bệnh tiểu đường nên làm để phòng ngừa biến chứng tiểu đường hạ đường huyết về đêm.

Cảm nhận những dấu hiệu đường máu thấp ở bản thân

Khi đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg/dL, cơ thể sẽ cảm thấy hơi đói, vã mồ hôi, run rẩy, chóng mặt, da tái xanh và có những hành động “nhầm lẫn”, mất phối hợp hành động. Nếu trước khi đi ngủ mà bệnh nhân hoặc người nhà nhận thấy có những dấu hiệu này thì cần phải nghĩ ngay đây là chứng hạ đường huyết để từ đó có cách xử lý nhanh chóng và đúng đắn.

tụt đường huyết
Cần chú ý tới các dấu hiệu tụt đường huyết

Kiểm tra đường huyết bằng máy đo đường huyết

Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh nhân nào cũng có thể tự nhận biết được những triệu chứng kể trên. Do đó, biện pháp phát hiện nhanh chóng nhất chính là đo đường huyết bằng máy trước khi đi ngủ. Tùy vào mức độ thấp của lượng đường trong máu, mà bệnh nhân có thể xử trí bằng cách uống thêm nước đường, ăn nhẹ hoặc giảm liều thuốc tiểu đường.

Ăn tối đầy đủ

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng hạ đường huyết vào ban đêm là do bệnh nhân bỏ bữa hoặc ăn quá ít. Thay vào đó, người bệnh nên chú ý ăn tối đầy đủ, đúng giờ và có sự cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng

Tránh tập thể dục quá mức buổi tối

Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. Nhưng nếu tập thể dục quá sức vào ban đêm, bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị hạ đường máu trong lúc ngủ. Do đó, người bệnh nên tránh tập thể dục trong vòng hai giờ trước khi ngủ. Thay vào đó chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng tay chân để tạo cảm giác thư giãn, giúp ngủ ngon hơn.

điều trị bệnh tiểu đường
Không nên tập thể dục quá sức vào buổi tối

Hạn chế uống bia rượu buổi tối

Uống rượu, bia,.. vào buổi tối sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ban đêm, đặc biệt là ở những bệnh nhân đang uống thuốc điều trị tiểu đường hoặc tiêm insulin. Do đó, bệnh nhân cần hạn chế uống bia rượu, đặc biệt là vào buổi tối. Nếu bắt buộc phải uống, nên uống có tiết chế và điều chỉnh khẩu phần ăn.

Chuẩn bị kẹo, bánh, đồ ngọt,… khi cần thiết

Cuối cùng, nên chuẩn bị sẵn vài thứ như kẹo, bánh, nước ngọt,… ngay cạnh giường để nếu có bất kỳ dấu hiệu hạ đường huyết nào xảy ra, người bệnh tiểu đường cũng có thể tự xử lý ngay lập tức mà không cần rời khỏi giường.

Đỗ Vy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here