Biến chứng viêm phổi ở người bệnh tiểu đường

0
81

Bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi trượt chân ngã cầu thang, chân trái rách toạc; vết thương nhiễm trùng gây khó thở và dẫn đến viêm phổi.

Từ bị ngã dẫn đến biến chứng viêm phổi

Bà Nguyễn An Thanh (74 tuổi, ở TP HCM) bị đái tháo đường 10 năm nay, điều trị với thuốc. Giữa tháng 4, bà ngã khi đi cầu thang bộ trong nhà và chấn thương cột sống thắt lưng, chân trái bị rách toạc, hở gân cơ. Người bệnh được các bác sĩ ở bệnh viện gần nhà khâu vết thương. Tuy nhiên vài ngày sau đó, bà khó thở, vết thương vẫn rỉ dịch nên gia đình đưa đến bệnh viện khám lại.

Bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng, khoa Cấp cứu cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng khó thở, huyết áp tăng. Kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm trùng huyết từ vết thương cẳng chân trái, viêm phổi, tràn dịch màng phổi trên nền bệnh đái tháo đường type 2. Chỉ số HbA1C (xét nghiệm phản ánh tình trạng glucose) là 9.94% (bình thường là 4-6%) do đường huyết không được kiểm soát tốt trong vòng 3 tháng nay.

Êkip bác sĩ khoa Cấp cứu, Nội tiết – Đái tháo đường tiêm insulin, điều trị kháng sinh cho bệnh nhân. Sau 4 ngày theo dõi, tình trạng viêm phổi của bà Thanh ổn định, không còn khó thở, vết thương ở chân dần đóng mài và được xuất viện.

Bệnh đái tháo đường, nhất là người lớn tuổi, hệ miễn dịch kém nên khi xảy ra các tai nạn thì vết thương lâu lành, dễ dẫn đến nhiễm trùng, viêm phổi… Bác sĩ Trọng lý giải, phổi là cơ quan cung cấp oxy, cùng với tim và nhiều cơ quan khác giúp con người duy trì sự sống. Người bệnh đái tháo đường có nồng độ đường huyết cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi. Mạch máu và thần kinh ngoại biên bị tổn thương khiến tuần hoàn nuôi dưỡng kém.

Khi bị ngã, trầy xước, vi khuẩn dễ sinh sôi khiến vết thương nhiễm trùng gây ra hàng loạt vấn đề như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tiết niệu, lao phổi, viêm phổi… Người lớn tuổi bị đái tháo đường thường khó khăn khi ăn uống, tiêu hóa như sặc, trào ngược dạ dày thực quản gây viêm phổi nên cần cẩn thận. Gia đình hỗ trợ, chăm sóc người bệnh để tránh trường hợp trượt chân, ngã và trầy xước.

Biến chứng viêm phổi ở người bệnh tiểu đường

Người bệnh không tự ý uống kháng sinh

Bác sĩ Trọng cho biết thêm, viêm phổi là nguyên nhân dẫn đến tử vong thứ 6 thế giới, nhất là ở những quốc gia có thu nhập cao và trung bình. Trường hợp không được điều trị kháng sinh thích hợp, người bệnh có nguy cơ tử vong đến 70%. Bác sĩ cần tìm nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi. Trong đó, đái tháo đường làm tăng nguy cơ viêm phổi 6-25%. Viêm phổi ở người bệnh đái tháo đường có mức độ biến chứng cao, diễn tiến nặng suy hô hấp nhanh, điều trị khó khăn và kéo dài.

Bác sĩ Trọng dẫn các nghiên cứu cho thấy người bị đái tháo đường viêm phổi có khả năng tử vong cao gấp 3 lần. Người viêm phổi trên nền bệnh đái tháo đường cần nhập viện để điều trị kháng sinh và theo dõi sát sức khỏe. Khi có bất kỳ các triệu chứng như ho đàm, đau ngực, khó thở, chán ăn, sốt, lạnh run, vã mồ hôi, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi…; người bệnh nên đi khám với bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được kiểm tra, chỉ định điều trị. Tự ý dùng thuốc kháng sinh làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh và trì hoãn thời gian chẩn đoán viêm phổi.

Để phòng viêm phổi cũng như nhiều bệnh nhiễm trùng khác, người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị, giúp duy trì đường huyết ổn định, không được tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý chế độ ăn như hạn chế tinh bột, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn; tăng cường bổ sung các nguồn thực phẩm cá ngừ, cá thu, cá hồi, dầu đậu nành… và các loại rau xanh. Trái cây ít ngọt trong bữa phụ cung cấp thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Mỗi người bệnh kèm các bệnh nền khác nhau sẽ có khẩu phần riêng. Ví dụ: đái tháo đường kèm gout cần hạn chế ăn thịt bò, hải sản, không uống rượu, bia… Người bệnh đái tháo đường biến chứng tim mạch nên hạn chế muối, các món như da, mỡ (trừ mỡ cá), món chiên, xào…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here