Sự nguy hiểm của hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường – biến chứng tiểu đường

0
292

Hạ đường huyết là một biến chứng tiểu đường nguy hiểm. Khi có hiện tượng hạ đường huyết cần có biện pháp can thiệp kịp thời, nếu không người bệnh có thể bị hôn mê.

Hạ đường huyết: Nguyên nhân và triệu chứng

Hạ đường huyết được xác định khi nồng độ đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg/dL. Hạ đường huyết có thể do một số nguyên nhân như thuốc (chẳng hạn quinine, thuốc điều trị Đái tháo đường), rối loạn nội tiết (thiếu hụt tuyến thượng thận), hoặc do chế độ nhịn ăn, tập luyện quá mức, dùng rượu, nhiễm khuẩn nặng,… Trong đó, hạ đường huyết thường gặp nhất ở những người bệnh tiểu đường.

Kiểm tra lượng đường trong máu của bệnh nhân để phát hiện chính xác việc hạ đường huyết. Tuy nhiên, nếu không có xét nghiệm máu vẫn có thể chẩn đoán đường trong máu thấp bằng các triệu chứng sau như: mờ mắt, tim đập bất thường, căng thẳng, mệt mỏi, da nhợt nhạt, đau đầu, cảm giác đói, chóng mặt, vã mồ hôi, run rẩy,… Nặng nề hơn sẽ mất ý thức, co giật, hôn mê, tử vong. Các triệu chứng của hạ đường huyết thường xảy ra âm thầm hoặc các biến chứng tiểu đường biểu hiện đột ngột.

biến chứng hạ đường huyết
Các biểu hiện khi bị hạ đường huyết

Tại sao hạ đường huyết quá mức ở người bệnh tiểu đường thì nguy hiểm?

Những bệnh nhân khi sử dụng thuốc tiểu đường nếu sử dụng thuốc quá liều hoặc không tuân thủ đúng liều thì có nhiều khả năng bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết sẽ diễn ra từ từ và bệnh nhân thường không biết lượng đường trong máu của họ bị giảm. Nếu không có đủ lượng đường, cơ thể người bệnh không thể thực hiện các chức năng sinh lý bình thường của nó. Không can thiệp kịp thời, bệnh nhân rất có thể bị biến chứng tiểu đường nguy hiểm. Đặc biệt là trong lúc ngủ, họ có thể đi vào hôn mê và tử vong mà không thấy rõ các triệu chứng khác.

Những biện pháp xử trí khi có triệu chứng hạ đường huyết và xuất hiện biến chứng tiểu đường

Mỗi người bệnh tiểu đường nên có sẵn bên mình một máy đo đường huyết cá nhân để theo dõi lượng đường trong máu của họ tại nhà. Bệnh nhân sẽ dễ dàng kiểm tra lượng đường trong máu vào các khoảng thời gian nhất định trong ngày, chẳng hạn như sau khi thức dậy và sau khi ăn.

Những người bệnh tiểu đường và đang có các triệu chứng hạ đường huyết từ nhẹ đến trung bình thì họ nên chuẩn bị một số loại thức ăn, nước uống có thành phần ít nhất 15 gram carbohydrate dễ tiêu hóa, như một nửa cốc nước trái cây; 1 muỗng canh mật ong; 4 – 5 bánh mặn; 3 – 4 viên kẹo hoặc 1 muỗng canh đường.

kiểm tra đường huyết thường xuyên - biến chứng tiểu đường
Trang bị máy đo đường huyết cá nhân để kiểm tra đường huyết thường xuyên

Những người có nguy cơ bị hạ đường huyết nên nói chuyện với bác sĩ của họ để có sự chuẩn bị một loại thuốc (như glucagon). Khi bệnh nhân có các triệu chứng hạ đường huyết mức độ nặng, nguy hiểm như hôn mê, bất tỉnh đe dọa tính mạng thì điều quan trọng là bên cạnh phải có nhóm thuốc này để xử trí ban đầu và gọi ngay cấp cứu. Vì thế rất cần thiết giáo dục gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh bệnh nhân làm thế nào để biết những triệu chứng của hạ đường huyết và cách xử trí đối với biểu hiện như vậy.

Về lâu dài, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu và gặp bác sĩ nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra hạ đường huyết và lập cho họ một kế hoạch kiểm soát cụ thể, bao gồm cả chế độ ăn, hoạt động thể chất cũng như sử dụng thuốc để giữ được đường huyết trong mục tiêu đề ra, tránh các biến chứng tiểu đường không đáng có.

ThS.BS. Nguyễn Lê Việt Hùng

Giảng viên Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here