Bệnh nhân tiểu đường có thể ăn kẹo không đường ở mức vừa phải, tránh quá nhiều ảnh hưởng tới lượng đường trong máu.
Ăn nhiều đường không là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thực phẩm carbohydrate (carbs) có thể gây ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Theo bà Jo-Anne M. Rizzotto (Trung tâm điều trị tiểu đường Joslin ở Boston, Mỹ), kẹo không đường ít ảnh hưởng tới đường huyết so với kẹo có đường. Tuy nhiên, loại kẹo này có thể chứa calo hoặc carbs. Dù kẹo không đường được làm từ chất làm ngọt nhân tạo có ít calo, carbs nhưng khi ăn nhiều có thể tác động đến lượng đường trong máu, trì hoãn quá trình giảm cân.
Theo bà Anna Taylor (phòng khám Cleveland Clinic, Mỹ), điểm khác biệt giữa kẹo thông thường và kẹo không đường là chất tạo ngọt trong thành phần kẹo, còn hàm lượng chất béo, protein không đáng kể.
Một đánh giá của 37 nghiên cứu về chất tạo ngọt được công bố vào năm 2017 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada (CMAJ) cho thấy, chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo thường xuyên có thể gây nguy hiểm cho người mắc bệnh tiểu đường. Chất làm ngọt có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì, gia tăng nguy cơ không dung nạp glucose.
Với người bệnh tiểu đường, ăn kẹo không đường là lựa chọn tốt hơn so với kẹo làm bằng đường thông thường. Bà Rizzotto cho hay, sử dụng kẹo không đường có thể giúp giảm lượng đường tiêu thụ hàng ngày, đồng thời phòng nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
“Dù lượng đường trong kẹo không đường chứa carbohydrate ở mức độ thấp hơn bình thường, nhưng khi ăn nhiều lượng đường trong máu người bệnh có thể bị ảnh hưởng. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa như khó chịu, đầy hơi, tiêu chảy”, bà Taylor lưu ý.
Trong quá trình điều trị, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày, từ đó, lên kế hoạch lựa chọn thực phẩm phù hợp với chế độ ăn. Trước khi ăn kẹo không đường, bệnh nhân cần đọc kỹ nhãn thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm nhằm xác định lượng calo và carbs.
Khi ăn kẹo, dù loại thường hay không đường, người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý những điều dưới đây.
- Ăn ở mức vừa phải: Khi muốn ăn kẹo, người bệnh cần lưu ý tới lượng carbs trong bữa ăn hàng ngày và lượng đường được thêm vào. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên bệnh nhân tiểu đường cần cố gắng tiêu thụ không quá 25g đường bổ sung mỗi ngày với nữ giới và không quá 36g mỗi ngày với nam giới. Bệnh nhân cần tập trung vào việc kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày và giảm tần suất ăn. Từ đó, mỗi người có thể lập danh sách các bữa ăn nhẹ không vượt quá lượng đường hoặc carb được khuyến nghị.
- Hạn chế uống rượu có đường: Nếu đang ăn kẹo không đường trong chế độ ăn hàng ngày, bệnh nhân cần hạn chế uống rượu có đường. Trước khi uống rượu cần kiểm tra nhãn thống kê năng lượng của sản phẩm. Theo đó, hàm lượng đường, nồng độ cồn của sản phẩm được liệt kê trên nhãn của chai rượu.
- Theo dõi chất béo bão hòa: Điều này nhằm đảm bảo hàm lượng chất béo bão hòa thấp, lượng carbohydrate phù hợp trong bữa ăn hàng ngày. Người bệnh cần hạn chế đồ ăn vặt như chocolate, bơ ca cao… , những sản phẩm chứa chất béo bão hòa cao. Tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol.
- Ưu tiên chất lượng hơn số lượng: Trong các bữa ăn hàng ngày, bệnh nhân tiểu đường cần ưu tiên tiêu thụ thức ăn trong ba bữa chính. Với các bữa phụ, người bệnh có thể ăn kẹo không đường nhằm thỏa mãn cơn thèm ngọt, không để lượng đường trong máu tăng đột biến.