Hiện nay, có khoảng 2 – 10% mẹ bầu bị bệnh tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân một phần do chị em ăn uống, tẩm bổ quá mức nhưng lại ít vận động dẫn tới tăng cân quá nhiều. Không giống như các dạng tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi sinh.
Bệnh tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng gì đối với mẹ bầu và thai nhi?
Bệnh tiểu đường nếu không được phát hiện và kiểm soát có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Ảnh hưởng trên mẹ:
- Tăng nguy cơ tiền sản giật – sản giật gấp 4 lần.
- Nhiễm trùng dễ xảy ra và thường nặng nề hơn, nhất là viêm thận, bể thận.
- Thai to dễ gây sang chấn lúc sinh.
- Tỉ lệ mổ lấy thai cao hơn và tăng nguy cơ do phẫu thuật.
- Dễ băng huyết sau sinh.
- Đa ối chiếm tỉ lệ khá cao (27-30%), thai to có thể gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ.
Ảnh hưởng trên thai nhi:
- Gia tăng tỉ lệ dị dạng thai.
- Trọng lượng thai tăng nên gây sinh khó và sang chấn lúc sinh: trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…
- Thường suy hô hấp do sự trưởng thành của phổi bị ảnh hưởng do in-sulin tăng cao.
- Rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết.
- Tỉ lệ tử vong thai tăng gấp 2-5 lần.
Nước dừa có tác dụng gì đối với người bệnh tiểu đường
Nước dừa là một thức uống giải khát được rất nhiều người ưa thích và tốt cho cơ thể, có tác dụng thanh nhiệt, cung cấp dưỡng chất, tốt cho người bệnh tim mạch, bệnh sỏi thận và tiểu đường.
- Ngăn chặn biến chứng tiểu đường liên quan đến tim mạch: Trong nước dừa có chứa thành phần Kali và Axit Lauric giúp điều hòa huyết áp, tăng hàm lượng cholesterol tốt trong cơ thể nên có tác dụng ngăn chặn biến chứng nguy hiểm về tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường. Trong nước dừa còn có một số khoáng chất làm giãn nở huyết mạch, giảm hình thành các cục máu đông nên sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn.
- Kiểm soát cân nặng: Nước dừa có chứa ít calo và chất béo đồng thời có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp đốt cháy nhiều calo, từ đó giúp kiểm soát và giảm cân nặng để tránh ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
- Tăng khả năng đáp ứng của cơ thể với in-sulin: Chất xơ và axit amino trong nước dừa còn có thể cản trở cơ thể hấp thụ đường, tăng nhạy cảm với in-sulin.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có nên uống nước dừa?
Mặc dù nước dừa có rất nhiều công dụng với người bệnh tiểu đường, vì vậy các bà bầu khi bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể uống loại nước này. Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý uống vào bữa ăn phụ và uống phải đúng cách.
Hướng dẫn mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ uống nước dừa đúng cách:
- Hạn chế uống nước dừa trong 3 tháng đầu: Đây là giai đoạn chị em thường phải đối mặt với chứng ốm nghén khi mang thai. Nếu uống nước dừa sẽ làm tình trạng này càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, các mẹ không nên uống nước dừa khi cảm thấy mệt mỏi.
- Không nên uống nước dừa vào buổi tối: Nước dừa có tính hàn nên lợi tiểu, ngăn ngừa viêm đường tiết niệu. Nếu mẹ uống nhiều nước dừa vào buổi tối thì sẽ khiến tình trạng tiểu đêm tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Không nên uống nước dừa quá nhiều: Tuy không nhiều nhưng trong nước dừa vẫn chứa một lượng đường nhất định. Vì vậy, mặc dù tốt cho bệnh nhân bị tiểu đường nhưng các mẹ chỉ nên uống 1-2 quả dừa mỗi ngày và không nên ăn cùi dừa vì nó có chứa nhiều axit béo no không tốt cho tình trạng bệnh.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi uống nước dừa: Những mẹ bầu có tiền sử suy nhược hoặc huyết áp thấp nên tham khảo ý kiến trước khi uống nước dừa.
Với những thông tin trên, hy vọng mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ tận dụng được những lợi ích tuyệt vời từ nước dừa mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Ngọc Anh