Các nhà khoa học của Đại học Stanford đã kết hợp hai loại hormone insulin và amylin trong một mũi tiêm giúp kiểm soát đường huyết người bệnh tiểu đường. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Biomedical Engineering ngày 11/5.
Ở những người không mắc bệnh tiểu đường, amylin và insulin do tế bào beta tiết ra từ tuyến tụy sau khi ăn. Insulin ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose, hạn chế sự hấp thu đường của các tế bào. Amylin giúp hạn chế tiết glucagon (hormone làm tăng nồng độ glucose và axit béo trong máu), tăng cảm giác no, làm chậm sự hấp thu thức ăn của cơ thể, qua đó giúp giảm đường huyết.
Ở bệnh nhân tiểu đường, cơ chế sản sinh hai hormone này giảm hoặc không hoạt động nên họ phải tiêm insulin hàng ngày.
Amylin có sẵn trên thị trường, nhưng ước tính chưa tới 1% bệnh nhân tiểu đường sử dụng liệu pháp amylin kèm insulin. Vì hai loại hormone này không tương thích để tồn tại trong một ống tiêm, họ phải tiêm riêng hai mũi.
“Một mũi tiêm amylin đi kèm sau khi tiêm insulin thật sự bất tiện với bệnh nhân tiểu đường. Công thức của chúng tôi cho phép hai loại hormone này kết hợp trong một mũi tiêm”, nhà khoa học vật liệu Eric Appel, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ màng bọc phân tử bao bọc insulin và amylin, cho phép chúng tồn tại độc lập trong một mũi tiêm.
“Sau khi vào cơ thể, lớp vỏ này tan trong máu, cho phép hai loại hormone này cùng hoạt động để kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường”, ông Appel nói.
Kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật cho thấy hiệu quả của mũi tiêm này. Ngoài ra, dữ liệu lâm sàng trước đây cho thấy những bệnh nhân dùng cả hai loại này đều kiểm soát lượng đường tốt hơn và giảm cân.
Nhóm nghiên cứu đang đăng ký sáng chế công nghệ cho kỹ thuật mới này. Appel cho biết nhóm chỉ cần chứng minh kỹ thuật này không độc hại ở người sẽ có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng, đưa công nghệ này đến gần hơn với người bệnh.