Người bệnh tiểu đường có nên bỏ ăn tinh bột?

0
51

Câu hỏi:

Mẹ tôi 43 tuổi, vừa phát hiện mắc bệnh tiểu đường type 2 vào cuối năm nay. Tôi nghe nói bệnh này cần kiêng tinh bột. Mẹ tôi không ăn cơm, bún, phở… mà chỉ ăn rau, thịt, cá thì có hợp lý không?

Trả lời:

Glucose (đường) được tạo ra từ các thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày (cơm, bún, phở…) là nguồn năng lượng nuôi cơ thể. Ruột hấp thụ glucose, giải phóng qua máu và đến các tế bào. Glucose dư thừa được lưu trữ dưới dạng glycogen ở gan. Giữa các bữa ăn hoặc khi đang ngủ, gan chuyển đổi glycogen thành glucose thông qua một quá trình gọi là glycogenesis. Nhờ đó, cơ thể duy trì lượng đường trong máu lưu thông đều đặn, cung cấp năng lượng cho các tế bào.

Quá trình vận chuyển glucose vào máu luôn cần có hormone insulin do tuyến tụy tiết ra. Tuyến tụy của người bệnh tiểu đường không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả nên đưa glucose vào tế bào bị gián đoạn. Sự thiếu hụt hay thừa glucose đều gây ra nhiều vấn đề lớn cho sức khỏe như: tăng đường huyết, hạ đường huyết, biến chứng lên thận, mắt, tim, mạch máu…

Tất cả các tế bào trong cơ thể đều cần glucose để hoạt động. Trong đó, não cần nhiều glucose nhất. Các tế bào thần kinh liên tục sử dụng glucose cho hoạt động suy nghĩ, học tập, ghi nhớ, làm việc… Nếu không nhận đủ glucose, các tế bào thần kinh không thể kết nối với các tế bào khác. Ngoài ra, sự gián đoạn nồng độ glucose trong máu có thể dẫn đến nhiều chứng rối loạn não.

Người bệnh tiểu đường không nên cắt toàn bộ tinh bột đường trong chế độ ăn hàng ngày. Thay vào đó, người bệnh cần ăn tinh bột với lượng vừa đủ để tránh đường huyết tăng cao. Nguyên tắc trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường là ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, trong đó, giảm tinh bột, tăng cường các nhóm đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất… Người bình thường có thể ăn 60% là lượng bột đường, 40% còn lại là các chất khác. Nhưng người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn khoảng 50% hoặc tối đa 55% chất bột đường.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh của mỗi người mà lượng tinh bột khác nhau. Phụ nữ thấp, nhẹ cân, không vận động nặng, mỗi bữa có thể ăn khoảng 2/3 đến một chén cơm. Người nam cao to, cơ bắp nhiều, hoạt động thể dục thể thao liên tục có thể ăn hai chén cơm trong một bữa.

Người bệnh cần kiểm tra đường huyết vào buổi sáng và các thời điểm trước, sau khi ăn. Nếu kiểm tra buổi sáng và sau khi nhịn đói 8 tiếng, lượng đường vẫn còn cao (trên 144 mg/dl), lượng thuốc tiểu đường có thể chưa phù hợp. Nếu sau khi ăn, đường huyết vẫn thấp (từ 70 mg/dl trở xuống) hoặc quá cao (trên 180 mg/dl) thì chế độ ăn chưa hợp lý. Người bệnh cần tái khám để bác sĩ khoa nội tiết – đái tháo đường, khoa dinh dưỡng – tiết chế điều chỉnh thuốc và khẩu phần ăn để đủ chất dinh dưỡng và đường huyết ổn định.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here