Chè đắng: Vị thuốc giúp kiểm soát rối loạn mỡ máu cho người bệnh tiểu đường

0
291

Bệnh tiểu đường và rối loạn mỡ máu đều dẫn đến xơ vữa động mạch và tắc mạch. Tăng đường huyết sẽ tạo điều kiện cho hiện tượng viêm mạch máu xảy ra, tạo tiền đề cho sự hình thành mảng xơ vữa và xơ cứng thành mạch. Rối loạn mỡ máu, tăng cao cholesterol toàn phần, TG, LDL-C, tạo điều kiện cho sự lắng đọng mỡ, nội mạc mạch máu bị tổn thương, tiến triển thành mảng xơ vữa, khiến mạch máu trở nên xơ cứng và lòng mạch hẹp dần lại. Mảng xơ vữa lớn có thể gây tắc nghẽn lòng mạch, gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hôn mê, liệt nửa người, viêm tắc động mạch chi dẫn đến hoại tử chi… Vì vậy, kiểm soát LDL-C là mục tiêu hàng đầu của người bệnh tiểu đường.

Tại Việt Nam, chè đắng (Ilex kaushue S.Y.Hu. Aquifoliaceae) phù hợp với thổ nhưỡng các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Ninh Bình… Khi chế biến, người dân thường vo lá thành viên hoặc cuộn thành hình trụ dài giống cái đinh (khổ đinh trà). Theo đông y, lá chè đắng vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thanh đầu mục, trừ phiền khát. Dùng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, viêm tai giữa có mủ, sởi, nhiệt bệnh phiền khát, lỵ, đau họng, bỏng lửa, sốt rét. Kết quả phân tích hóa thực vật cho thấy lá chè đắng chứa saponin triterpen, flavonoid, axít hữu cơ, polysaccharide, carotenoid… Saponin triterpenoid trong lá chè đắng làm giảm tổng hợp LDL-C, tác nhân gây lắng đọng lipid trong đại thực bào. Đồng thời, nhóm polyphenol có tác dụng ức chế sự tích tụ triglyceride trong tế bào mỡ 3T3-L1, trong đó rutin có vai trò chủ chốt.

bệnh tiểu đường

Chè đắng giúp giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường về tim mạch

Kết quả nghiên cứu của nhóm E.C. de Morais (2009) cho thấy với liệu trình uống 20 ngày và 40 ngày, chè đắng cải thiện được các thông số lipid huyết thanh: giảm 8,1% và 8,6% LDL-C trên bệnh nhân nhóm đơn trị, 10% và 13,1% LDL-C trên bệnh nhân nhóm phối hợp với statin; tăng 4,4% HDL trên bệnh nhân nhóm đơn trị và 6,2% trên nhóm phối hợp; không thay đổi trị số triglyceride ở cả 2 nhóm. Có thể ứng dụng chè đắng để làm giảm cholesterol máu và xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ các bệnh lý và các biến chứng tiểu đường về tim mạch. Axít dicaffeoylquinic và saponin triterpen ức chế α-glucosidase và lipase, làm giảm glucose, lipid máu, tăng cảm giác no và gây hiệu ứng chán ăn trên mô hình béo phì thực nghiệm.

Không chỉ làm giảm glucose máu, HbA1c và LDL-C trên cả người bệnh tiểu đường tuýp 2 và người tiền đái tháo đường, chè đắng cũng làm giảm đáng kể mức tiêu thụ chất béo, cholesterol, axít béo, tăng tiêu thụ khối lượng chất xơ trên nhóm tiền đái tháo đường. Dựa trên những kết quả nghiên cứu lâm sàng này, nhóm tác giả G.A.Klein (2011) đi đến kết luận: Chè đắng có khả năng cải thiện kiểm soát glucose và lipid, kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giảm nguy cơ bệnh mạch vành trên người bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ngoài ra, saponin, flavonoid và polysaccharid trong lá chè đắng có tác dụng ức chế enzyme cyclooxygenase COX-2, tăng cường các cytokine chống viêm IL-4 và IL-10. Tác dụng kháng viêm này cũng rất quan trọng trong việc phòng chống viêm tắc mạch máu.

Với những tác dụng điều chỉnh glucose, HbA1c, kiểm soát LDL-C, kháng viêm, chè đắng đóng vai trò hữu ích trong điều hòa rối loạn mỡ máu, giảm nguy cơ tim mạch cho người bệnh tiểu đường.

PGS-TS Nguyễn Phương Dung

Theo báo Thanh Niên, số 285 ra thứ Ba ngày 11.10.2016

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here